-
- Thêm vào giỏ hàng thành công
17/11/2021
CEO Phạm Văn Tam: ‘Thay đổi nhận diện thương hiệu để vươn lên dẫn đầu’
Việc làm mới bộ nhận diện thương hiệu của Asanzo là một phần trong chiến lược vươn mình trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam của CEO Phạm Văn Tam.
Khi doanh nhân Phạm Văn Tam thành lập Asanzo vào cuối năm 2013, không mấy người tin anh sẽ thành công trong thị trường đã thuộc về các thương hiệu quốc tế nổi tiếng.
Nhưng chỉ sau 5 năm, thương hiệu Việt này đã trở thành một cái tên quen thuộc với người tiêu dùng. Với hơn 70 sản phẩm điện tử, gia dụng như TV, tủ lạnh, nồi cơm điện, máy lọc nước, smartphone… hãng đạt doanh thu đến 4.620 tỷ đồng trong năm 2017.
Chia sẻ về bí quyết thành công của mình, CEO Phạm Văn Tam cho biết tất cả được gói gọn trong 2 điều: Sự thấu hiểu và khả năng gắn kết chặt chẽ với cộng đồng.
CEO Phạm Văn Tam quyết tâm đưa Asanzo lên vị trí dẫn đầu ngành điện tử Việt.
Trước khi thành lập Asanzo, anh đã có hơn 10 năm ngụp lặn trong ngành điện tử gia dụng. Đi khắp mọi miền đất nước, chàng trai Phạm Văn Tam có dịp hiểu, nhìn nhận sâu sắc về cuộc sống và nhu cầu của người dân ở thành thị sung túc đến miền quê nghèo khó.
Anh nhận thấy những khách hàng bình dân ở nước ta chiếm số lượng đông đảo nhất, nhưng các sản phẩm điện tử gia dụng chất lượng tốt, giá phù hợp lại hiếm hoi trên thị trường. Trong đó, TV là mặt hàng thiết yếu nhất.
Từ đó, Asanzo ra đời với các sản phẩm TV công nghệ Nhật Bản chất lượng tốt, phù hợp với đại đa số người dùng Việt và nhanh chóng chinh phục thị trường nông thôn. Trong năm đầu tiên, hãng đã bán được tới 150.000 chiếc TV và tạo dấu ấn lớn trong làng điện tử. Sang năm 2017, Tivi Asanzo đã chiếm 16% thị phần cả nước và đứng top 4 thị trường.
Những chiếc TV Asanzo được “may đo” đúng với nhu cầu của người Việt.
Tiếp tục lấn sân vào thị trường điện tử, điện lạnh, điện thoại “made in Vietnam”… Asanzo vẫn thành công trong việc áp dụng công thức gắn kết với cộng đồng, lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu chính của người dùng. Hãng tập trung không chạy theo xu hướng tích hợp nhiều tính năng hiện đại như các thương hiệu quốc tế.
Mỗi sản phẩm mới ra đời của hãng điện tử thuần Việt vì thế đều được “may đo” theo đúng nhu cầu, địa lý, hành vi của người Việt Nam. Thấu hiểu và gắn chặt với cộng đồng là lợi thế lớn của một doanh nghiệp bản địa, so với các tập đoàn đa quốc gia vốn nhắm đến thị trường khu vực và toàn cầu. Asanzo đã tối ưu hóa tốt lợi thế này.
Từ một doanh nghiệp khởi nghiệp với quy mô nhỏ, Asanzo đã vươn mình trở thành một tập đoàn điện tử gia dụng được người Việt tin dùng rộng rãi chỉ sau 5 năm thành lập. Theo CEO Phạm Văn Tam, đây là thời điểm thích hợp để Asanzo hướng tới những bước phát triển xa hơn.
Nhà sáng lập Asanzo đã không ngần ngại bày tỏ tham vọng đưa tập đoàn lên vị trí dẫn đầu của ngành điện tử nước nhà: “Asanzo sẽ phải là một tập đoàn điện tử đa ngành hàng đầu Việt Nam, gồm 5 lĩnh vực tivi, điện lạnh, điện gia dụng, smartphone và các mặt hàng điện tử khác như laptop, máy tính bảng”.
Asanzo đang nhắm đến vị trí dẫn đầu ngành điện tử trong tương lai gần.
Bước đầu tiên trong chiến lược phát triển 5 năm tới của Asanzo là làm mới hệ thống nhận diện thương hiệu. “Một bộ nhận diện thương hiệu mới cũng là bàn đạp để đưa Asanzo hoàn thiện hình ảnh trên chặng đường chinh phục những mốc mới”, doanh nhân này cho biết.
Theo ông Hoàng Nghĩa Hiệp, Phó khoa thiết kế đồ họa Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, đây là bước đi táo bạo nhưng cần thiết, không ít tập đoàn hàng đầu thế giới từng thực hiện trước đây.
Tuy nhiên, không chọn cách thuê các đơn vị thiết kế chuyên nghiệp như thường thấy, Asanzo lại bỏ ra hàng tỷ đồng để tổ chức một cuộc thi thiết kế logo công khai có quy mô toàn quốc.
Lý giải cho quyết định này, ông Tam cho biết: “Tôi muốn logo phải xuất phát từ sự sáng tạo và tiếng nói của công chúng. Như vậy, thương hiệu mới dễ đi vào lòng người dùng, mới tạo sự gắn kết lâu dài giữa doanh nghiệp với khách hàng. Bởi không ai hiểu người Việt bằng chính người Việt”.
Bắt đầu nhận bài từ ngày 11/6 và kéo dài trong hơn 2 tháng, cuộc thi thu hút gần 700 trăm tác phẩm đến từ khắp cả nước. Trong đó, nhiều bạn trẻ yêu mến và tin dùng sản phẩm của Asanzo. Không ít thí sinh tâm huyết gửi đến hàng chục bài dự thi với những ý tưởng độc đáo và góc nhìn thú vị.
Ông Phạm Văn Tam dành rất thời gian cho các bài dự thi, phần bình chọn và ý kiến đánh giá của công chúng trên website, fanpage cuộc thi, nhằm có cái nhìn sâu sắc hơn về thị hiếu, cách nhìn của người Việt về Asanzo.
”Có bài thi hình tượng hóa Asanzo thành biểu tượng ngọn núi, thể hiện sự vững mạnh và tầm nhìn vươn xa, có logo lại sử dụng ngôi sao, thể hiện sự gần gũi và tỏa sáng”, thầy Hoàng Nghĩa Hiệp, đại diện hội đồng giám khảo chia sẻ.
Cuộc thi cùng triển lãm các thiết kế đã thu hút sự quan tâm lớn của công chúng.
Kết quả cuộc thi đã tìm ra 2 giải nhì và 3 giải khuyến khích danh cho 5 cái tên tài năng, được chọn ra từ hơn 100 thí sinh tham dự. Chia sẻ về lý do không có giải Nhất chung cuộc, CEO Phạm Văn Tam cho biết: “Tất cả bài thi đã tiệm cận được tiêu chí mà ban giám khảo đưa ra, nhưng là chưa đủ”.
Cuộc thi không tìm ra giải Nhất, nhưng CEO Phạm Văn Tam đã tìm ra điều tuyệt vời hơn. Đó là sự quan tâm của cộng đồng với Asanzo cũng như những đóng góp của các thí sinh cho hình ảnh đại diện của tập đoàn.
Đơn cử như chia sẻ của thí sinh Abdul Kariem, người đoạt giải nhì của cuộc thi: “Ở Vĩnh Long quê em, bà con hay dùng TV Asanzo vì giá rất tốt mà lại dễ dùng. Em muốn mang những giá trị của Asanzo vào thiết kế mới thông qua các hình khối và chữ cái cách điệu”.
“Logo của em hướng tới sự tinh tế, tối giản với hai gam màu trắng, xanh chủ đạo, chữ O được cách điệu, gợi liên tưởng tới con chip, qua đó thể hiện tham vọng Asanzo sẽ là một tập đoàn điện tử dẫn đầu với dây chuyền sản xuất, công nghệ hiện đại, đột phá”, chàng trai trẻ 18 tuổi từ Vĩnh Long giới thiệu về thiết kế của mình.
Chủ tịch Asanzo và thí sinh đạt giải nhì Abdul Kariem.
Những đóng góp của Kariem và hàng trăm thí sinh khác là cơ sở để ông Tam cùng các cộng sự hiểu được thêm về cách cộng đồng cảm nhận về thương hiệu Asanzo. Qua đó tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp hình ảnh thương hiệu của tập đoàn cho những bước phát triển mới.
Đây cũng là một phần trong chiến lược tái cấu trúc tập đoàn, kế hoạch IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng) nhằm huy động nguồn lực từ xã hội để bổ sung vốn, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và mở rộng cả về quy mô lẫn số lượng sản phẩm. Tất cả sẽ là bàn đạp để phục vụ cho tham vọng trở thành tập đoàn dẫn đầu thị trường trong vòng 5 năm tới của Asanzo.
Trích dẫn: Báo Zing News / PV: Giang Di Linh