Danh mục
Đằng sau kế hoạch thay đổi logo là chiến lược trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu của CEO Asanzo.
17/11/2021

Đằng sau kế hoạch thay đổi logo là chiến lược trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu của CEO Asanzo.

1.Từ những bản vẽ biết nói

Abdul Kariem vừa từ Hà Nội trở về Vĩnh Long. Đây là chuyến bay đầu tiên của chàng trai trẻ tới Thủ đô để dự chung kết một cuộc thi thiết kế. Kariem vẫn nhớ y nguyên cảm giác bay bổng khi thấy logo của mình được treo trang trọng trong khu trưng bày nằm trong khuôn viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Không dừng lại ở đó, thiết kế của Kariem đươc xướng tên là một trong những tác phẩm xuất sắc của cuộc thi “thiết kế logo Asanzo”. Với Kariem, đó là cách không thể hoàn hảo hơn để đánh dấu mốc tuổi 18.

Asanzo không phải cái tên xa lạ. “Ở Vĩnh Long quê em, bà con hay dùng TV Asanzo vì giá phù hợp mà lại dễ dùng”, Kariem kể. Cái khó là làm sao để logo mới truyền tải được giá trị và tham vọng của nhãn hàng.

“Những hình khối đơn giản có thể kể một câu chuyện dài”, Karem nói về “đứa con” mất một tháng trời thai nghén ý tưởng. Câu chuyện ấy được em cố gắng thổi hồn trong cách tạo hình, phối màu, chọn kích thước hay khoảng cách từng con chữ. Chỉ một thay đổi nhỏ đến từng mm thôi cũng có thể ảnh hưởng đến ảo giác hình ảnh và thông điệp thể hiện.

“Logo của em hướng tới sự tinh tế, tối giản với hai gam màu trắng, xanh chủ đạo, học hỏi phong cách hiện đại từ quốc tế. Chẳng hạn như chữ O cách điệu, gợi liên tưởng tới con chip, qua đó thể hiện tham vọng Asanzo sẽ là một tập đoàn điện tử dẫn đầu với dây chuyền sản xuất, công nghệ hiện đại, đột phá”, Kariem diễn giải bằng sự hào hứng, nhiệt thành của một người trẻ dành cho thương hiệu Việt.

 

Khách tham quan triển lãm logo của Asanzo tại trường đại học Mỹ thuật Hà Nội. 

 2. Thương hiệu xuất phát từ tâm và tiếng nói cộng đồng

“Đứa con tinh thần” của Karem là một trong gần 700 tác phẩm tham dự cuộc thi “Thiết kế logo Asanzo”. Giống như Karem, mỗi logo lại ẩn chứa một câu chuyện về thương hiệu.

Mở cửa nhận bài từ ngày 11/6, cuộc thi thu hút hàng trăm tác phẩm đến từ khắp mọi miền nước, từ nhà thiết kế tới những người không chuyên, đủ độ tuổi khác nhau, phần lớn là giới trẻ. Ông Phạm Văn Tam – CEO Asanzo cho biết ông không khỏi bất ngờ trước sức hút của cuộc thi. Thậm chí ban giám khảo đã phải “bạc tóc” để chọn ra hai giải Nhì và ba giải Ba chung cuộc.

”Có bài thi hình tượng hóa Asanzo thành biểu tượng ngọn núi, thể hiện sự vững mạnh và tầm nhìn vươn xa, có logo lại sử dụng ngôi sao, thể hiện sự gần gũi và tỏa sáng”, thầy Hoàng Nghĩa Hiệp, Phó khoa thiết kế đồ họa Đại học Mỹ thuật, đại diện hội đồng giám khảo chia sẻ.

Vị giám khảo tỏ ra tâm đắc khi các tác phẩm dự thi lần này đã tiệm cận được tới tiêu chí của ban tổ chức, thể hiện lĩnh vực hoạt động về điện tử, điện máy của tập đoàn Asanzo với 70 ngành hàng đa dạng. Quan trọng hơn cả, các logo toát lên tinh thần công nghệ, đổi mới và mang giá trị thật từ sự trung thực, sáng tạo, trách nhiệm với con người.

Để tìm “bộ áo mới” cho doanh nghiệp 5 năm tuổi, thay vì thuê chuyên gia hay một công ty chuyên nghiệp, ông chủ Asanzo bỏ ra hàng tỷ đồng để tổ chức một cuộc thi quy mô toàn quốc. Khâu tổ chức, chấm thi kéo dài hai tháng. “Tôi muốn logo phải xuất phát từ sự sáng tạo và tiếng nói của công chúng, như vậy, thương hiệu mới dễ đi vào lòng người dùng, mới tạo sự gắn kết lâu dài giữa doanh nghiệp với khách hàng. Không ai hiểu người Việt bằng chính người Việt”, ông Tam chia sẻ.

Chữ “hiểu” được nhắc đến ở đây không chỉ gói gọn trong cuộc thi, mà trở thành triết lý xuyên suốt của tập đoàn điện tử Việt này suốt 5 năm hoạt động. Trong một lần trả lời báo chí, nói về hành trình thần kỳ đạt doanh thu hơn 9.000 tỷ đồng chỉ sau 4 năm của Asanzo, vị CEO sinh năm 1980 thổ lộ: “Bí quyết tạo ra biểu đồ tăng trưởng ấn tượng của Asanzo nằm trong 4 chữ hiểu, hiểu thị trường, sản phẩm, khách hàng và bản thân”.

 

Bộ sưu tập logo trong cuộc thi.

 

Bước chân vào thị trường điện tử, điện lạnh, điện thoại…cạnh tranh khốc liệt, Asanzo không chạy theo xu hướng tích hợp nhiều tính năng hay mẫu mã như các hãng ngoại. Các sản phẩm của Asanzo tập trung giải quyết nhu cầu chính của người dùng, mạnh tay lược bỏ những công năng không cần thiết. Nhờ đó, sản phẩm không bị đội giá nhờ tiết kiệm nhân công, dây chuyền lắp ráp mà vẫn chất lượng nhờ công nghệ Nhật Bản. Thị trường ngách, đặc biệt tại vùng quê được hãng nghiên cứu kỹ càng, sản phẩm được “may đo” theo đúng nhu cầu, địa lý, hành vi của người dân. Theo CEO Asanzo, đó chính là giá trị thực mà ông hướng tới.Chia sẻ về lý do không có giải Nhất chung cuộc, CEO Phạm Văn Tam cho biết: “Tất cả các bài thi đã tiệm cận được tiêu chí mà ban giám khảo đưa ra, nhưng là chưa đủ”.Cuộc thi không tìm ra giải Nhất. Nhưng có lẽ ông chủ Asanzo đã tìm ra điều tuyệt vời hơn. Đó là khi cái tên Asanzo đã đến gần hơn với cộng đồng, được lắng nghe tiếng nói từ công chúng.

3. Tham vọng trở thành tập đoàn công nghệ dẫn đầu Việt Nam

Một công ty lâu năm thay đổi bộ nhận diện thương hiệu thường là khi có bước chuyển mình, hay như thầy Hoàng Nghĩa Hiệp, đó là khi doanh nghiệp có tham vọng mới.

Đối với Asanzo, bước ngoặt này nằm trong chiến lược tái cấu trúc tập đoàn, kế hoạch IPO và tham vọng trở thành tập đoàn dẫn đầu thị trường trong vòng 5 năm tới.

Thành lập năm 2013, Asanzo là một trong những hiện tượng của thị trường điện tử Việt nam với sản phẩm TV sử dụng công nghệ Nhật. Đi lên từ thị trường ngách, hướng tới vùng nông thôn, năm đầu tiên, hãng điện tử Việt bán ra 150.000 tivi, doanh số 670 tỷ đồng. Sau ba năm, TV Asanzo chiếm lĩnh 70% thị trường TV nông thôn, 16 % tính trên toàn thị trường, không thua kém bất cứ ông lớn thương hiệu ngoại nào.

Cuối năm 2016, Asanzo bắt đầu tung ra các mặt hàng điện lạnh gồm điều hòa, quạt làm mát; điện gia dụng gồm nồi cơm, bình đun nước, lò nướng…

Hãng điện tử tiếp tục gây chú ý khi lấn sân sang thị trường smartphone với các sản phẩm điện thoại thông minh made-in-Vietnam.

 

CEO Asanzo không ngần ngại bày tỏ tham vọng đưa công ty trở thành “đế chế” điện tử: “Asanzo sẽ phải là một tập đoàn điện tử đa ngành hàng đầu Việt Nam, gồm 5 lĩnh vực tivi, điện lạnh, điện gia dụng, smartphone và các mặt hàng điện tử khác như laptop, máy tính bảng…”.

Sau doanh thu 4.620 tỷ đồng vượt ngoài mong đợi năm 2017, 5 năm tới, công ty đặt kế hoạch doanh thu 10.000 tỷ đồng mỗi năm, định hướng trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Việt Nam.

“Một bộ nhận diện thương hiệu mới cũng là bàn đạp để đưa Asanzo ngày càng hoàn thiện hình ảnh trên chăng đường chinh phục những mốc cao mới”, vị doanh nhân cho biết.

 

Ông Phạm Văn Tam(bên phải) trao giải cho thí sinh đạt giải.

Trích dẫn: Báo VnExpress / PV: Phạm Vân

Viết bình luận của bạn: